Học sinh lớp 10 được thi xét tuyển đại học
Đại học
Bách khoa Hà Nội và Sư phạm TP HCM cho học sinh từ lớp 10 tham dự kỳ thi riêng,
kết quả được bảo lưu trong hai năm để xét tuyển đại học.
Tính đến
tháng 3/2023, 10 kỳ thi riêng đã được công bố. Trong số này, đánh giá tư duy của
Đại học Bách khoa Hà Nội và đánh giá năng lực của trường Đại học Sư phạm TP HCM
là hai kỳ thi cho học sinh đã hoặc đang học THPT đăng ký. Do đó, không chỉ lớp
12, học sinh lớp 10 và 11 cũng có thể dự thi nếu có nhu cầu.
PGS.TS
Nguyễn Phong Điền, Phó Hiệu trưởng Đại học Bách khoa Hà Nội, và thạc sĩ Nguyễn
Ngọc Trung, Phó hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm TP HCM, lý giải quy định này
được đưa ra dựa trên việc Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép học sinh lớp 10, 11 dự
thi quốc gia, quốc tế cùng lớp 12. Thực tế cũng cho thấy, nhiều học sinh lớp dưới
có năng lực tốt và đạt giải cao.
Bài thi
đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội gồm ba phần Toán học, Đọc hiểu và
Giải quyết vấn đề. Các câu hỏi được thiết kế theo ba mức độ tư duy: tái hiện,
suy luận và bậc cao. Theo ông Điền, đề thi nghiêng về đánh giá tư duy, thay vì
kiểm tra học thuộc kiến thức, nên học sinh các lớp dưới vẫn có thể dự thi cùng
lớp 12. Sau khi hoàn thành bài thi, các em được cấp giấy chứng nhận có giá trị
trong hai năm, nên có thể dùng kết quả thi từ lớp 11 để xét tuyển năm tới.
Với kỳ
thi đánh giá năng lực của trường Đại học Sư phạm TP HCM, ông Trung cho biết do
bài thi diễn ra với sáu môn độc lập, gồm Toán học, Vật lý, Hóa học, Sinh học,
Ngữ văn, Tiếng Anh. Thí sinh có thể đăng ký một hoặc nhiều bài thi, tùy vào nhu
cầu và tổ hợp xét tuyển. Do đó, học sinh các lớp dưới 12 có thể thử sức ở những
môn thế mạnh, không nhất thiết thi tất cả vì chưa được học hết kiến thức.
Tuy
nhiên, các trường đều khuyến cáo học sinh lớp 10 chưa nên dự thi, còn lớp
11 cũng không nên vội vàng.
Ông Điền
cho biết phần Toán học của kỳ thi đánh giá tư duy tập trung vào kiến thức lớp
11 và 12. Vì vậy, học sinh lớp 11 vẫn sẽ gặp khó khăn nếu không học trước
chương trình. Riêng với lớp 10, ông Điền khuyên các em chưa nên đăng ký, bởi chỉ
có một lượng kiến thức nhỏ phần đại số rơi vào chương trình ở khối lớp này. Việc
học sinh thi quá sớm sẽ không đạt hiệu quả như mong muốn, chưa kể tốn kém cho
gia đình.
Cùng
quan điểm, ông Trung cho biết việc thi vượt cấp phù hợp với học sinh lớp 11 thuộc
các đội tuyển học sinh giỏi, lớp chuyên. "Trường hợp học lực trung bình,
khá, tôi nghĩ học sinh nên xem đề thi mẫu, cảm thấy làm được đề thi thì có thể
tham gia. Nếu không, các em nên học và ôn tập thêm vì mỗi lần dự thi cũng tốn
phí, mất công di chuyển, nhất là những bạn không ở TP HCM", ông Trung nói.
Năm
2022, trong lần đầu tổ chức thi đánh giá năng lực, trường Đại học Sư phạm TP
HCM ghi nhận khoảng 10 thí sinh là học sinh lớp 11 trên tổng 2.000 thí sinh dự thi.
Đa số thuộc các lớp chuyên hoặc có khả năng học trước chương trình lớp 12.
TS Nguyễn
Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Đại học
Quốc gia TP HCM, cho rằng học sinh lớp 10, 11 cần tập trung vào việc học hơn là
đi thi thử sức, lấy kinh nghiệm. Đây là lý do mà kỳ thi đánh giá năng lực của đại
học này chỉ cho học sinh lớp 12 hoặc học sinh đã tốt nghiệp THPT dự thi. Nếu
phát hiện học sinh lớp 11 đăng ký, hệ thống sẽ huỷ kết quả.
Ông
Chính lý giải học sinh lớp 10, 11 chưa học hết chương trình THPT, năng lực, kiến
thức chưa đầy đủ, nên sẽ cảm thấy ngợp trước một đề thi dành cho lớp 12.
"Điều này không tốt cho các em, nhất là khi chúng tôi muốn tổ chức một kỳ
thi nhẹ nhàng, không áp lực, không phải luyện thi hay thi nhiều lần để lấy kinh
nghiệm", ông Chính nói.
Sau khi
hoàn thành tuyển sinh năm nay, khoảng tháng 9-10, Đại học Bách khoa Hà Nội dự
kiến tổ chức đợt thi đánh giá tư duy đầu tiên của năm học mới. Ông Điền nhận định
học sinh lớp 11 năm nay có thể tham gia đợt thi này, vì khi đó các em đã hoàn
thành chương trình, có thêm thời gian nghỉ hè để tìm hiểu chương trình lớp 12.
Theo ông, vào ngày 9/4 khi Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức thi thử trực tuyến, học sinh có thể đăng ký và dự thi tại nhà. Dựa vào kết quả này, các em có thể đưa ra quyết định chính xác hơn về việc có nên thi sớm hay không. "Học sinh yên tâm ôn tập, chỉ cần có khả năng, cơ hội của các em vẫn còn", ông Điền nhận định.
Source: VnExpress
إرسال تعليق